1) Tranh dân gian ngày tết:
Trong tất cả các loại tranh tết Việt Nam, có lẽ đa dạng và độc đáo nhất là tranh dân gian. Đây là loại tranh trường tồn cùng lịch sử, không trau truốt cầu kỳ như các loại tranh khác mà mang đậm tính dân tộc.
Trong các làng tranh dân gian Việt Nam, nổi bật nhất là làng tranh Đông Hồ, nằm ở ven sông Đuống. Tranh được làm từ giấy dó, quét phủ một lớp điệp óng ánh làm cho màu in thêm rực rỡ. Từ thời xa xưa, tranh dân gian Đông Hồ đã nổi tiếng là rẻ và đẹp, được nhiều nơi ưa thích.
Ở phố Hàng Trống (Hà Nội) cũng có nhiều người làm tranh dân gian, nhưng chủ yếu là vẽ tranh thờ (hổ, rồng, thần, thánh...). Họ làm bằng kỹ thuật kết hợp đường nét in đen từ bàn khắc gỗ với việc tô màu phẩm bằng tay. Nghệ sỹ vẽ tranh dùng bút màu quét phẩm nước, tạo nên những gam màu đậm nhạt lung linh.
Mỗi bức tranh dân gian đều mang một ý nghĩa nhân sinh riêng, biểu hiện nhiều góc độ tâm trạng của con người. Dễ thấy nhất là tranh vẽ đàn gà, tượng trưng cho tình mẫu tử và sự sum họp đông vui. Tranh mẹ con đàn lợn tượng trưng cho cuộc sống no ấm và cảnh chăn nuôi ở nhà nông.
Tranh gà trống sặc sỡ và oai vệ, tượng trưng cho ý chí kiên trung, bất khuất của trang nam nhi quân tử và cũng thể hiện cho 5 đức tính quý của con người: văn (vẻ đẹp – mào gà); vũ (cứng rắn – cựa gà); nhân (lòng thương yêu đồng loại – khi kiếm được mồi luôn gọi đàn đến cùng ăn); dũng (sức mạnh – gặp kẻ thù thì kiên quyết chống lại); tín (hàng ngày báo giờ rất đúng). Tranh gà đẹp và ý nghĩa như thế, nên nhà thơ Đoàn Văn Cừ đã viết trong bài thơ Chợ tết: “Lũ trẻ còn mải ngắm bức tranh gà/ Quên cả chị bên đường đang đứng gọi”.
Tranh đám cưới chuột là minh chứng sống động và hóm hỉnh cho quan hệ mạnh hiếp yếu trong xã hội. Chuột làm đám cưới phải lo lễ vật cống cho mèo, cầu xin mèo để yên cho đám cưới được tiến hành.
Tranh đánh ghen thì có tính giáo dục những ông chồng hay trăng hoa, đề cao đức tính nhẫn nhịn của người vợ và vai trò của người phụ nữ trong xã hội.Tranh hứng dừa là cái cười tinh tế của dân gian trước sự hớ hênh ô tình của các cô gái... Tất cả đều là những sinh hoạt thường ngày của con người, được vẽ cách điệu tài tình, làm cho cuộc sống vui tươi, sống động.
Tranh dân gian cũng đã có số lượng khá nhiều về đề tài lịch sử như bà Trưng Trắc cưỡi voi xung trận, Ngô Quyền đánh Nam Hán, Đinh Bộ Lĩnh cờ lay tập trận... Đó là những bức tranh tạo nên sự hùng tráng và niềm tự hào dân tộc. Ngoài ra, có những bức tranh được đặc biệt yêu thích như tranh Phú quý (đứa bé tóc trái đào giữ con vật), Vinh hoa (cậu bé ôm con gà trống), Thất đồng (7 cậu bé hồn nhiên hái quả), Tứ tôn vạn đại (4 cậu bé nô đùa với những dây bầu trĩu quả)...
Tranh dân gian được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng có điểm giống nhau là đều đề cao đạo lý làm người, giáo dục những phẩm chất tốt và cầu mong những điều tốt đẹp trong năm mới. Nó là một phần không thể thiếu trong cuộc sống, nhất là mỗi khi tết đến xuân về.
2) Những nét chấm phá ngày Tết:
Mùa Tết
Từ 23 tháng chạp trở đi là bắt đầu vào thời kỳ rộn ràng của mùa Tết, tính từ mốc sự kiện "đưa ông Táo về trời" (một nghi thức tiễn đưa thần bếp lên chầu Ngọc Hoàng báo cáo lại tình hình trong năm của chủ gia) vào ngày này. Thiên hạ đua nhau nô nức mua sắm các vật dụng, đặc biệt là quần áo và thức ăn (việc buôn bán mùa Tết thường sẽ chấm dứt từ đúng ngọ ngày 29 hoặc 30 tháng chạp, từ khi đó lần đầu tiên trong năm, chợ búa trở nên vắng vẻ và các sạp trống không). Tại những bến xe tấp nập những người tha phương mua vé xe để trở về quê đoàn tụ cùng gia đình. Không khí lễ mỗi lúc một đầy ngập hơn, người người ai nấy đều nô nức rộn ràng chuẫn bị đón xuân.
>>> Hướng dẫn chuẩn bị mâm cỗ cúng ông Táo
Chợ Tết
Đấy là những chợ đặc biệt chỉ xuất hiện vào dịp Tết và chuyên buôn bán các loại "đặc sản" cho người dân hưởng xuân. Vì tất cả những người buôn bán hầu như sẽ nghỉ xả hơi trong những ngày Tết nên nảy sinh tâm lý mua dự trữ, đưa đến mức cầu rất cao. Hơn nữa, chợ Tết cũng để thỏa mãn một số nhu cầu mua sắm để thưởng ngoạn, để lễ bái như hoa kiểng, những loại trái cây, đặc biệt là dưa hấu và những loại trái có tên đem lại may mắn như mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài v.v... Những loại chợ Tết đặc biệt cũng sẽ chấm dứt vào trước ngọ giao thừa. Vào những ngày này, các chợ sẽ bán suốt cả đêm, và đi chợ Tết đêm là một trong những cái thú đặc biệt.
Hương vị ngày Tết: bốn thức chủ lực "quốc hồn quốc túy"
Khoảng rằm tháng chạp, củ kiệu tươi được bày bán đầy các chợ. Các bà nội trợ mua về cắt lấy phần củ trắng nỏn nà, phơi qua vài nắng cho khô quắt lại rồi cho vào những ve keo, kế đó cho vào các ve củ kiệu này giấm sôi nấu với đường, xong đậy kín lại. Vào vài buổi chợ giáp tết họ mua thịt heo mỡ, trứng vịt để chuẫn bị món dự trữ chủ lực: thịt kho nước dừa; thêm đôi ba xấp bánh tráng, giá để làm dưa giá nữa là xong. Không ai là người Việt mà không cảm khái thứ hương vị dân tộc và khó quên ấy: bánh tráng nhúng nước cho mềm, trải ra trên một tay, cho lên đấy một miếng thịt mỡ, một miếng hột vịt, vài ba củ kiệu, ít dưa giá rồi cuốn lại, chấm vào tô nước thịt kho dằm miếng ớt. Ngày tết hễ đói bụng, hay muốn nhậu, ngoài các thứ đều không thể thiếu được "thịt kho, dưa giá, củ kiệu, bánh tráng". Phải nhìn thấy chúng, nếm chúng, nuốt chúng xuống dạ dày mới gọi là thưởng thức được hương xuân trọn vẹn.Riêng người Bắc, thay vì củ kiệu, một số người dùng củ hành ta với cách làm cũng tương tự. Ve dưa hành có màu hồng như ngọc, trông rất đẹp và "may mắn".
Màu của ngày Tết
Chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc, màu chủ lực trong ngày Tết vẫn là màu đỏ theo quan niệm màu đỏ là màu phát tài và may mắn. Ngày Tết của Việt Nam ngập tràn màu đỏ: câu đối đỏ, phong bao lì xì đỏ, ruột quả dưa hấu đỏ, hạt dưa nhuộm màu đỏ, quyển lịch đỏ. Người Việt Nam cũng thích chưng những loại hoa ánh đỏ như hồng, mãn đình hồng, hoa đào v.v... Trước đây khi pháo còn được cho phép đốt, đường xá ngập tràn trong màu đỏ của xác pháo nổ rân không ngớt kể từ giao thừa đến rạng sáng tết, rồi nổ lẻ tẻ mãi cho đến khi nào hết "mồng" mới thôi! Trang phục có tông màu đỏ cũng được ưa chuộng để mặc Tết.
Khái niệm thời gian
Mùa Tết, không ai bảo ai, mọi người đều cùng nhau dẹp bỏ dương lịch và quay trở sang âm lịch rất tự nhiên, với những khái niệm thời gian trước tết gọi là “hăm” (ngày 20 tháng chạp âm lịch +): hăm mốt tết, hăm chín tết (nếu rơi vào tháng chạp thiếu sẽ không có ngày ba mươi tết), sau tết gọi là “mồng”: mồng hai tết, mồng tám tết... Âm lịch hồi sinh thật kỳ diệu như thể luôn nhắc nhủ mỗi người Việt Nam về tính dân tộc, cổ truyền của ngày lễ trọng đại, thiêng liêng nhất này.
3) Vì sao có tục kiêng đổ rác trong 3 ngày tết ?
Trong "Sưu thần ký" có chuyện người lái buôn tên là Âu Minh đi qua hồ Thanh Thảo được thủy thần cho một con hầu tên là Như Nguyệt, đem về nhà được vài năm thì giàu to. Một hôm, nhân ngày mồng một Tết, Âu Minh đánh nó, nó chui vào đống rác mà biến mất, từ đó nhà Âu Minh lại nghèo đi. Kể từ đó kiêng không dám đổ rác ngày Tết. Tục kiêng đổ rác ba ngày Tết nên ngày 30, dù bận rộn đến đâu cũng phải dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ và những ngày Tết thì mọi người phải hết sức giữ gìn nhà cửa không vứt rác bừa bãi.
4) Viết gì khi khai bút?
Sự "khai bút" này nhằm mong mỏi đón nhận được mọi sự tốt lành nhân năm mới tới. Thường thường người ta phải chọn ngày và giờ tốt để khai bút. Nhiều khi sự khai bút cũng chỉ có tính cách tượng trưng mà thôi; chẳng hạn như viết lên giấy hồng điều vài chữ: ngày, tháng, năm.... "khai bút đại cát" hay "tân xuân đại cát" (nghĩa là đầu năm mới khai bút để gặp được những điều tốt lành lớn).
Đối với những danh sĩ thì đôi khi khai bút bằng cách làm một bài thơ đầu xuân bày tỏ nguyện vọng hoặc ý chí của mình. Những bài thơ khai bút này được viết lên giấy hồng điều (giấy màu đỏ) hoặc trên giấy hoa tiên (giấy có vẽ hoa) rồi dán bài thơ lên tường để thưởng xuân. Những người có chức vụ lớn như Tổng Đốc, Tuần Phủ, Tri Phủ, Tri huyện.... thì có lên Khai ấn và Khai triện.
Tục này cũng thực hiện ở các bộ đường ở kinh đô Huế dưới triều Nguyễn. Ấn và triện là những con dấu của những người giữ chức vụ chỉ huy trong chính quyền. Các vị này nhân đầu năm làm lễ khai ấn, triện bằng cách đóng dấu vào những giấy tờ công văn để cầu mong cho "thiên hạ thái bình" và dân chúng an vui.
Ngày nay, trong các gia đình, thường người khai bút là bậc trưởng bối trong nhà như ông nội, cha, hoặc con trai trưởng. Những người này chọn ngày, giờ tốt, viết lên giấy trắng những điều mong ước tốt đẹp cho gia đình, họ tộc, làng xã...trong năm mới.
5) Tết Sài Gòn - Tết nắng :
Nắng Tết Sài Gòn là điều kỳ diệu với dân teen xứ Bắc, nắng Tết ấm cả trong tim người Sài Gòn.
Dưa hấu Tết
Đất Sài Gòn lắm hội nhiều chợ, vui tưng bừng ngày đêm. Chợ nào chợ nấy bật đèn bán tới khuya lắc. Ngoài cổng chợ, người ta dựng lên mấy gian hàng sáng choang đèn, dán giấy đỏ choạch để bán bánh mứt, dưa hấu, trông nao nức lạ. Gian bán dưa chất bộn rơm. Những trái dưa tròn căng xanh bóng nằm ngoan ngoãn như lũ lợn con. Hồi năm trước, thấy cậu nhóc con chú Tư bán dưa ngồi trong một góc ăn cơm, cái tô cơm đỏ rực. Dòm lom lom một hồi mới biết nhóc ăn cơm… với dưa hấu. Hỏi “Ngon hông cưng” thì gật đầu lia: “Ngon chớ chị, má nói ăn dưa hấu mát ruột!” Chú Tư thở đánh phều “Đợt này dưa dập quá trời đất, bỏ hết thì uổng, phải cắt phần lành cho sắp nhỏ ăn đỡ”. Nhưng năm nay thì khác, đợt dưa nào chở về nhà chú Tư cũng bán sạch sành sanh.
Ra chợ, bạn không chỉ mua hàng Tết mà còn mua được những nụ cười khấp khởi vui của người bán hàng và cả người mua hàng. Mùa hoa Tết Hai bên đường Kha Vạn Cân (Thủ Đức) là nhà vườn trồng mai bự nhất thành phố, “lé mắt trông ngang” thấy nhà vườn lặt lá mai mà xốn xang trong dạ: “Chèn, sắp Tết rồi đó cà”. Dăm bữa nữa chứ nhiêu, là từ mấy nhánh mai khẳng khiu trụi lá đó sẽ đâm ra những búp, những nụ tròn ủm xanh mướt, đợi đúng đêm giao thừa bung nụ xòe hoa vàng. Nhiều teen Sài Gòn hồi hộp đợi ngày “đánh hàng hoa” dưới Sa Đéc lên.
Hoa của dân teen bán, nên chậu nào cũng dán xanh đỏ tím vàng sặc sỡ. Có chậu còn được thắt nơ xinh xinh. Một hôm đạp xe lòng vòng dọc đường Phan Huy Chú tìm mua chậu hoa con con thì lạc vào mấy ngõ hẻm quanh quanh. Một khoảnh be bé trồng mãn đình hồng và cúc vạn thọ hiện ra rực rỡ. Đây là mảnh đất trồng hoa hiếm hoi còn sót lại của làng hoa Gò Vấp nức tiếng một thời. Bác chủ khoảnh hoa cười hề hề khi thấy cả đám nhí nhố ào vào… xin chụp hình. Nghe bác ý nói “Hờ, bây cứ chụp đi, qua mùa Tết này bác hết trồng bông rồi” mà tự dưng nghe tiêng tiếc cái chi chi.
Mùa ngon ngon
Mấy sáng nay ra chợ thấy mấy cô mấy chị í ới gọi nhau đi lựa củ kiệu, củ cải, dưa hành về muối. Món này ăn với bánh chưng luộc hay bánh chưng chiên là ngon dzách lầu. Nghỉ Tết, được mẹ giao xắt củ cải thành sợi và lột vỏ kiệu. Xế chiều trèo lên ban công phơi mâm củ, thấy nhà bên cạnh có “tên nhóc” cũng đang lụi cụi phơi củ hành. Hắn cười hí hí “Này, mai kia anh đem dưa hành muối đệ nhất qua cho, nhóc cũng nhớ cho lại anh tí tí củ cải muối nhé”. Sài Gòn được ăn Tết đủ các miền.
Mẹ mình người Nam nên hay làm món củ cải. Còn hai bác láng giềng ngoài Bắc vào, năm nào cũng làm món thịt đông (dù đông bằng tủ lạnh) cho… đỡ nhớ ngoài kia, và luôn đem cho nhà hàng xóm một ít “ăn lấy thảo”! Dì Bảy dưới Bến Tre lên thăm xách theo cả bao dừa. Biết mình thích, mẹ cặm cụi nạo dừa, sên dừa làm mứt. Buổi cuối đi học thêm Anh văn trước khi nghỉ Tết, mẹ dúi vào tay bọc mứt dừa còn âm ấm, mềm chứ không cứng và nhiều đường như ngoài chợ, ăn sướng tê lưỡi. Mứt mềm thế, nhưng tay mẹ thì cứng ngắc vì phải ngồi đảo dừa trong chảo liên tục cả ngày trời! Tết Sài Gòn ấm không chỉ nhờ có nắng! (Vietnamnet)
6) Thiệp chúc tết có từ bao giờ ?
Năm 1843, Hoàng đế Anh đã nhờ một họa sĩ thiết kế tờ thiếp mừng Noel. Từ đó về sau, từ một tháng trước ngày Noel, người ta đã bắt đầu gửi cho nhau thiếp mừng.
Ở Việt Nam và nhiều quốc gia châu Á, người ta gởi thiệp chúc mừng nhau vào dịp Tết Nguyên đán, là ngày lễ quan trọng nhất trong năm. Ngày nay, việc gởi thiệp chúc mừng có trong nhiều dịp lễ, Tết, Noel, sinh nhật...
7) Tác dụng chữa bệnh của một số loại quả trong mâm ngũ quả:
* Quả bưởi (quả bòng): người Thái gọi là cọ phúc, thuộc họ cam quýt - Rutaceae. - Lá bưởi có tác dụng chữa cảm (dùng cùng một số lá khác để nấu nồi thuốc xông chữa cảm sốt).
- Vỏ bưởi dùng chữa đầy chướng bụng, bí tiểu.
- Vỏ hạt bưởi có chất pectin để cầm máu. - Múi bưởi giúp giải khát, dùng tốt cho người tiểu đường.
- Hoa bưởi có hương thơm đặc biệt, dùng ướp trà và một số thực phẩm.
* Đu đủ: còn có các tên là phiêu mộc, phan qua thụ, mắc hung. Quả chín có tác dụng bổ dưỡng, rất tốt cho trẻ em và người cao tuổi, người mới khỏi bệnh. Đu đủ xanh chứa chất papain có tác dụng phân giải tế bào, giúp nấu thịt chóng mềm. Rễ đu đủ dùng làm thuốc cầm máu. Hoa đu đủ hấp đường phèn làm thuốc chữa ho cho trẻ em khàn tiếng. Ở châu Phi, dân gian còn dùng lá đu đủ để chữa khối u.
* Quả hồng: tên khác là thị đinh.
- Tai quả hồng còn có tên Thị đế dùng chữa khí nghịch - nấc.
- Thị sương là chất đường tiết ra từ quả hồng; dùng chữa đau rát họng, khô họng.
- Thị tất là nước ép từ quả hồng xanh, dân gian dùng chữa cao huyết áp.
* Hồng xiêm: (hình như di thực từ Thái Lan nên có tên này). Tên khác: Tầm lửa, Sacoche, Saboche. Tên khoa học: Sapota achras.
- Nhựa hồng có tác dụng kích thích tiêu hóa.
- Vỏ quả chữa tiêu chảy
* Chuối: là loại quả giàu dinh dưỡng, tốt cho người cao tuổi và trẻ em bị táo bón. Không dùng chuối cho người tiểu đường. Chuối hương phối hợp bột lòng đỏ trứng gà dùng chữa trẻ suy dinh dưỡng. Như vậy, mâm ngũ quả là tâm sự gửi gắm của mỗi gia đình, nói lên lòng biết ơn trời đất, tổ tiên, ước muốn đầy đủ và sung túc, hòa hợp như năm sắc màu của thiên nhiên trong ngũ hành.
8) Ý nghĩa ngày tết:
Người Việt ăn mừng TẾT với niềm tin thiêng liêng TẾT là ngày đoàn tụ, là ngày làm mới, là ngày tạ ơn và là ngày của hy vọng.... Ngày Đoàn Tụ - TẾT luôn luôn là ngày đoàn tụ của mọi gia đình. Dù ai buôn bán, làm việc hay đi học ở xa, họ thường cố gắng để dành tiền và thời giờ để về ăn TẾT với gia đình.
Đó là nỗi mong mỏi của tất cả mọi người, người đi xa cũng như người ở nhà đều mong dịp TẾT gặp lại nhau. TẾT cũng là ngày đoàn tụ với cả những người đã chết. Từ bữa cơm tối đêm 30, trước giao thừa, các gia đình bên Phật giáo đã thắp nhang mời hương linh ông bà và tổ tiên đã qua đời về ăn cơm vui TẾT với các con các cháu.
Ngày TẾT người ta cũng hay thực hiện những nghi lễ, để dâng hương lên các vị thần theo huyền thoại là người ban phước cho gia đình chúng ta được nhiều sức khỏe, nhiều tiền tài, nhiều may mắn và an vui hạnh phúc trong năm vừa qua. Ngày Làm Mới - TẾT là ngày đầu tiên trong năm mới, mọi người có cơ hội ngồi ôn lại việc cũ và làm mới mọi việc. Việc làm mới có thể về hình thức như dọn dẹp, quét vôi, sơn sửa trang trí lại nhà cửa. Hoặc làm mới lại về phần tình cảm và tinh thần của con người, để mối liên hệ với người thân được cảm thông hơn hoặc để tinh thần mình thoải mái, tươi mát hơn. Sàn nhà được chùi rửa, chân nến và lư hương được đánh bóng.
Bàn ghế tủ giường được lau chùi phủi bụi. Người lớn cũng như trẻ con đều tắm rửa gội đầu sạch sẽ, mặc quần áo mới may bảnh bao. Bao nhiêu mối nợ nần đều được thanh toán trước khi bước qua năm mới để xả xui hay để tạo một sự tín nhiệm nơi người chủ nợ. Với mỗi người, những buồn phiền, cãi vã được dẹp qua một bên. Tối thiểu ba ngày TẾT, mọi người cười hòa với nhau, nói năng từ tốn, lịch sự để mong suốt năm sắp tới mối liên hệ được tốt đẹp.
Người mình tin rằng những ngày TẾT vui vẻ đầu năm sẽ báo hiệu một năm mới tốt đẹp sắp tới. TẾT là sinh nhật của tất cả mọi người, ai cũng thêm một tuổi vì thế câu nói mở miệng khi gặp nhau là mừng nhau thêm một tuổi. Ngày của lạc quan và hy vọng - Năm cũ đã qua mang theo mọi xui xẻo và năm tới sắp đến mang theo đầy niềm tin lạc quan. Nếu năm cũ khá may mắn, thì tin sự may mắn sẽ kéo dài qua năm sau.
Ngày TẾT người ta đốt pháo nhiều để xua đuổi ma xui xẻo đi và đồng thời người ta múa rồng múa lân sư tử khắp mọi nơi, nhất là những cửa hàng buôn bán để rước may mắn thịnh vượng về. Mùa TẾT cũng là mùa cưới hỏi. Các cặp trai gái thích làm đám cưới vào dịp đầu năm, mùa xuân đất trời đang đẹp và đang mùa hy vọng. Họ hy vọng cho một cuộc đời mới vợ chồng sống hạnh phúc bên nhau và sẽ có đàn con ngoan. Ngày Tạ Ơn - Người Việt chọn ngày TẾT làm cơ hội để tạ ơn ân nghĩa mình đã được hưởng năm vừa qua. Con cái tạ ơn cha mẹ, cha mẹ tạ ơn ông bà, tổ tiên, nhân viên tạ ơn cấp chỉ huy. Ngược lại, cấp chủ nhân cũng cám ơn nhân viên qua những buổi tiệc đãi hoặc quà thưởng để ăn tết.
Sưu tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét